Các giải pháp thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực bất động sản

10:47 24/08/2021

Dịch bệnh Covid -19 đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, hướng đến sự phát triển bền vững. Dự báo xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành một lực đẩy cho thị trường bất động sản (BĐS).

Công nghệ BĐS - Proptech trở thành xu thế tất yếu

Theo một nghiên cứu của Công ty Tư vấn BĐS toàn cầu (JLL), ứng dụng công nghệ trong BĐS (Proptech) đang nở rộ theo dòng tăng trưởng của thị trường, mang lại cho ngành BĐS nhiều cơ hội. Thông qua các ứng dụng công nghệ này, các chủ đầu tư cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, bảo đảm sự an toàn, dễ lựa chọn cho khách hàng.

Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, các ứng dụng đã mang lại cho nhiều doanh nghiệp kết quả kinh doanh tích cực dù chịu tác động của dịch bệnh Covid -19.

Phân tích về xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng những năm gần đây, các công nghệ 4.0 đã trở thành xu hướng của toàn cầu.

“Trên thị trường BĐS, Việt Nam vẫn là quốc gia đi sau với hệ sinh thái còn khá non trẻ. Vì thế, nếu không muốn tụt hậu, việc ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn là xu thế tất yếu”, ông Đính nhấn mạnh.

Ông Đính phân tích thêm trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến hết sức phức tạp, phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp thì công nghệ số đã chứng minh những ưu điểm trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, nhu cầu và tăng sự tương tác giữa chủ đầu tư với khách hàng.

Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh BĐS lớn đã đầu tư mạnh cho các trang giao dịch trực tuyến, các ứng dụng công nghệ tích hợp đa nền tảng nhằm kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng trên nền tảng online. Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường  đã đón nhận hàng chục thương vụ đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghệ BĐS - Proptech.

Cen Homes được biết tới là nền tảng Proptech do người Việt Nam đầu tư và phát triển. Từ khi ra mắt vào tháng 5/2019, Cen Homes đã liên tục cập nhật về mặt công nghệ và đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Từ đầu năm đến nay, số liệu truy cập hệ thống định giá Cen Homes đạt trên 881.000 người dùng mới, với số phiên gần 1,3 triệu lượt truy cập.

Đại diện Cen Homes cho rằng xu hướng đầu tư và lĩnh vực Proptech tiếp tục tăng, đồng thời cho biết tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 2019 - 2020, thị trường đã chứng kiến hoạt động sôi nổi của các nhà đầu tư tham gia phát triển công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS - proptech, bao gồm: Nền tảng quản lý tài sản - BĐS, nền tảng bán hàng và nền tảng định hướng đầu tư fintech khai thác BĐS.

Thay đổi để thích ứng

Ông Mathew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng một trong những giải pháp có thể kể đến là việc thành lập dữ liệu quốc gia về giá đất - nơi mà toàn bộ thông tin về đất đai được lưu trữ trên nền tảng số. Lúc đó, mọi thứ chịu sự kiểm soát của cơ quan đăng ký đất đai. Số hóa quốc gia về các giao dịch đất đai sẽ tạo ra tính cảnh minh bạch hơn cho thị trường BĐS.

Thêm một yếu tố quan trọng cần thực hiện nữa là cải thiện việc lưu trữ và truyền tải thông tin, giảm thiểu những đặc tính đã trở nên lỗi thời trong ngành BĐS như việc quá phụ thuộc vào các loại giấy tờ.

Theo phân tích của đại diện Savills Hà Nội, khi các loại giấy tờ được số hóa thì thông tin không chỉ được truyền tải hiệu quả hơn mà còn đồng thời mang lại tính bảo mật cao hơn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết quy chuẩn dữ liệu về đất đai đã có và được ban hành nhưng việc tích hợp, đồng bộ thông tin vẫn chưa làm được. Quản lý thông tin về dữ liệu đất đai còn dựa chủ yếu vào các loại giấy tờ, chưa được số hóa.

Việc quản lý dữ liệu thông tin về đất đai cần dựa trên nền tảng số và ưu tiên những công việc triển khai  trên nền tảng của quốc gia số, trong đó có thông tin về đất đai nhằm tích hợp, đồng bộ hóa thông tin và thuận lợi trong công tác quản lý đất đai.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, xu hướng số hóa trong lĩnh vực BĐS là xu hướng tất yếu đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhưng trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19 xu hướng này càng được thúc đẩy nhanh hơn, nhất là trong các giao dịch, kết nối thông tin giữa chủ đầu tư và khách hàng trong việc giới thiệu dự án sản phẩm…

Ông Hà cho rằng giao dịch BĐS là những giao dịch lớn, phức tạp liên quan đến pháp lý, sở hữu cho nên nhà nước phải có những quy định hết sức chặt chẽ, cụ thể, nhất là đối với những giao dịch, hợp đồng trên thương mại điện tử để bắt buộc các bên tham gia phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật qua đó giảm bớt được những tiêu cực, phiền hà và rủi ro trong quá trình thực hiện các giao dịch, hợp đồng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị cấp thẩm quyền trong quá trình xây dựng Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến số hóa cần có sự phù hợp với từng lĩnh vực, tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn để việc thực hiện dễ đi vào cuộc sống.

Theo Toàn Thắng/baochinhphu.vn