Đại dịch Covid-19 tác động thế nào tới thị trường bất động sản?

22:52 27/08/2021

Năm 2020 – 2021 là khoảng thời gian bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh lan rộng đã tác động đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của các nước trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó lĩnh vực bất động sản (BĐS) cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Thị trường gặp nhiều khó khăn, khách hàng và các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tác động lớn trong các quyết định mua bán và đầu tư.

dai-dich-covid-19-tac-dong-the-nao-toi-thi-truong-bat-dong-san

Ảnh minh họa

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới thị trường bất động sản

Kể từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức lớn cùng với việc kinh tế tăng trưởng chậm lại đã gây ra những tác động không tốt đến tình hình thị trường nói chung. Cụ thể như :

Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa thực sự sôi động khiến thị trường BĐS kém sôi động hơn so với những năm trước. Thêm nữa, tình trạng dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc giao thương đi lại, cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. 

Tín hiệu tích cực và cơ hội mới cho thị trường bất động sản

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì trong thời gian tới, mặc dù thị trường vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Song lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS vẫn sẽ ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực và chỉ số đáng kể.

Hưởng lợi từ lãi suất suất 

Việc hạ thấp lãi suất trong thời gian qua sẽ giúp đỡ rất nhiều cho thị trường BĐS. Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ có thêm nguồn vay vốn từ ngân hàng, từ đó phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, người mua BĐS cũng có lợi khi có thể vay tiền với lãi suất thấp hơn để mua nhà. Dự báo, chính sách lãi suất thấp vẫn sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới để hỗ trợ cho thị trường BĐS.

Điểm sáng ở một số phân khúc thị trường

Nửa đầu năm nói riêng và cả năm 2021 nói chung, thị trường BĐS được cho là sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Thậm chí có thể bùng nổ ở một vài phân khúc và ở một số khu vực nhất định. Trong đó, BĐS công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường BĐS. Điều này có thể đến từ việc Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. 

Đồng thời, với 5 triệu kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến sẽ có một làn sóng đầu tư BĐS mới từ kiều bào; khi lượng người về Việt Nam tránh dịch ngày càng tăng.

Hiệu ứng từ dòng vốn đầu tư nước ngoài

Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày tháng 3 năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD. Khoản đầu tư này đã tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là mức tăng khá mạnh, sau hai tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm. 

Theo đó, tình hình sản xuất – kinh doanh có những dấu hiệu tích cực hơn, cùng với việc đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Giải pháp phát triển thị trường bất động sản

Để hỗ trợ thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững trong bối cảnh tác động của Covid-19, cần có một số giải pháp cấp thiết sau.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư

Kinh doanh BĐS để có thể bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống quy định pháp luật, cần đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục rườm rà, không cần thiết. Cần phải rút ngắn thời gian giải quyết, xử lý hồ sơ, giảm thiểu chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án BĐS. Đặc biệt, cần tạo điều kiện giải quyết ngay thủ tục chuyển đổi đối với các dự án BĐS nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho. Hoặc những dự án mà chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội.

Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cần có những thay đổi 

Trước những xu hướng đầu tư mới trên thị trường BĐS, ngoài việc xây dựng đáp ứng nhu cầu để ở, để nghỉ ngơi, thì doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn đến mảng cây xanh, công nghệ, sức khỏe cộng đồng và an toàn nơi ở.

Nhà nước tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

Trong việc xem xét tỷ lệ trọng tâm theo phân khúc, cần ưu tiên căn hộ bình dân, nhà ở giá rẻ chiếm tỷ lệ cao, tiếp theo là phân khúc hộ trung cấp, xếp cuối là căn hộ cao cấp phân tích. Đồng thời, nên cắt giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho những dự án thuộc phân khúc thương mại định giá thấp, nhà ở xã hội cho thuê. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục theo dõi và bám sát thị trường để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, bất cập của chính sách, pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp trước những tác động của dịch Covid-19. Tất cả những điều này sẽ giúp thị trường sản xuất phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh.

Nguồn : Báo Tạp Chí Tài Chính