Gọi vốn đầu tư khởi nghiệp bất động sản dễ hay khó?

27/08/2021

Làm thế nào để nhà đầu tư quan tâm đến dự án của mình và quyết định đầu tư? Đây có lẽ là một trong những câu hỏi phổ biến được nhiều công ty khởi nghiệp đặt ra trước khi chính thức bước chân...

goi-von-dau-tu-khoi-nghiep-bat-dong-san-de-hay-kho

Ảnh minh họa

Thực trạng của việc gọi vốn bất động sản

Trên thực tế, không chỉ lĩnh vực bất động sản (BĐS), mà ở bất kỳ lĩnh vực nào, nguồn vốn luôn là vấn đề được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, gọi vốn đầu tư đã khó, gọi vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp lại càng khó hơn, bởi ngay từ khái niệm khởi nghiệp đã khá mơ hồ, không có gì ngoài ý tưởng.

Chính việc không phân bổ được thời gian chuẩn bị các bước cho việc gọi vốn một cách hợp lý, trong tâm thế cần vốn, đội ngũ các thành viên trẻ tuổi của các dự án khởi nghiệp dễ bị mất bình tĩnh trước những câu hỏi vặn vẹo, xoáy sâu của các nhà đầu tư về kế hoạch tài chính mà quên rằng, dự án của mình cũng có thể là một nguồn sinh lợi cho họ.

Thông thường, để chuẩn bị chu toàn cho những công đoạn cho việc gọi vốn, sẽ mất tối thiểu từ 6 - 9 tháng, hoặc thậm chí hơn thế, thì khi tiến hành trao đổi với các nhà đầu tư thiên thần, các nhà sáng lập có thể rất tự tin và chủ động thẳng thắn trao đổi chi tiết về mức độ rủi ro, mạo hiểm của kế hoạch kinh doanh và khả năng thành công của dự án đến đâu.

Một trong những khó khăn của môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực BĐS hiện nay là thiếu số liệu thống kê, dẫn tới việc các startup khá lúng túng trong việc định giá dự án của mình khi thực hiện gọi vốn.

Nếu người sáng lập định giá dự án quá cao và kêu gọi số tiền đầu tư lớn thì đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cũng sẽ đặt ra những mục tiêu cao hơn, khó đạt được, hoặc là sẽ đòi đổi lấy số phần trăm cổ phần lớn, để rồi khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, dự án có thể bị nhà đầu tư “nuốt chửng”.

Thực tế diễn ra cho thấy, lĩnh vực BĐS là thị trường có nhiều dự án khởi nghiệp nhất, nhưng cũng là nơi có nhiều nhà khởi nghiệp mất trắng nhiều nhất với cùng một kịch bản này.

Thêm nữa, khi mang ý tưởng khởi nghiệp đến trình bày trong các cuộc thi hay khi gọi vốn, startup còn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như bị lộ ý tưởng, hay mất sự độc quyền sử dụng ý tưởng khi chưa đăng ký bảo hộ.

Vậy nên gọi vốn theo cách nào thì hợp lý?

Hiện tại, có 3 cách phổ biến mà các startup trẻ tuổi, ít kinh nghiệm trên thế giới thường ưu tiên sử dụng để tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn, bao gồm: Nhà đầu tư “thiên thần”/Mạnh thường quân - Angel Investor, Gọi vốn cộng đồng - Crowdfunding và Quỹ đầu tư mạo hiểm - Venture Capital. Trong đó, mỗi hình thức gọi vốn đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, tương ứng với từng giai đoạn phát triển của một dự án startup.

Đặc biệt, cần được ưu tiên hàng đầu là vấn đề số liệu tài chính, luôn phải logic, rõ ràng. Doanh thu, lãi/lỗ, điểm khác biệt của sản phẩm, thị trường mục tiêu, khả năng cạnh tranh là những điểm cần đặc biệt lưu ý và nhấn mạnh. Người gọi vốn cần phải hiểu được điều mà nhà đầu tư cần, chính là những con số và lộ trình cụ thể. Đó cũng là minh chứng cho thấy startup theo sát và đặt tâm huyết vào dự án.

Bên cạnh đó, cần hiểu rằng, con số kêu gọi đầu tư không nên nhỏ mà cũng không nên quá lớn. Có như thế mới xây dựng được niềm tin của các nhà đầu tư cũng như mối quan hệ, vừa giúp các nhà đầu tư cảm thấy đây là một thương vụ an toàn. 

Trong trường hợp không nhận được “cái gật đầu” của nhà đầu tư, thì người gọi vốn cũng nên duy trì mối quan hệ với nhà đầu tư, vì biết đâu sau này đến khi dự án lớn mạnh, sẽ có chuyển biến khác.

Tất nhiên, các bạn trẻ cũng nên hiểu rằng, quá trình gọi vốn cũng có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề khác, ví dụ như nhà đầu tư có thể thông qua việc kinh doanh của startup để rửa tiền, hay nhà đầu tư đã đồng ý đầu tư vào dự án nhưng lại “treo” vốn trong nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội kinh doanh của startup.

Do đó, để tìm hiểu, xác thực xem nhà đầu tư có phù hợp hay không, sự đầu tư của họ có thực sự mang lại lợi ích tích cực cho dự án của mình hay không, nhà sáng lập cần phải gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư càng nhiều càng tốt. Việc gặp gỡ và trao đổi thường xuyên cũng là phương thức giúp nhà khởi nghiệp hiểu hơn về giá trị dự án của mình để có sự định giá chính xác nhất.

Bên cạnh đó, nhà khởi nghiệp cũng nên xây dựng mối quan hệ rộng rãi trong giới kinh doanh để có thể nghe ngóng, nắm bắt thông tin về các nhà đầu tư tiếp cận với dự án của mình.

Mặt khác, nhà đầu tư cũng chính là người sẽ chỉ ra những điểm còn thiếu, những điểm cần hoàn thiện của dự án. Đây chính là cơ hội quý giá để các dự án học hỏi kinh nghiệm mà không hề tốn phí! Do vậy, người sáng lập dự án nên bỏ qua “cái tôi” và lắng nghe những ý kiến thực tế, đôi khi là khó nghe của nhà đầu tư mà có thể đó lại là chiêu thức để thử thách, đánh giá bản lĩnh của người khởi nghiệp.

Theo Báo Đầu tư Chứng khoán