Một số dụng của công nghệ Blockchain trong thị trường Bất động sản

22:23 29/08/2021

Biến động về giá quá lớn của bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo nói chung đã và đang tạo ra tâm lý dè chừng của thị trường đối với các sản phẩm công nghệ này. Mặc dù vậy, blockchain – công nghệ nền tảng của đồng bitcoin vẫn đang được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả ngành bất động sản (BĐS).

mot-so-dung-cua-cong-nghe-blockchain-trong-thi-truong-bat-dong-san

Ảnh minh họa

Trong tháng 6 vừa qua, nhận định của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) về tiền ảo được đưa ra đó là tiền ảo sẽ không bao giờ có thể trở thành giải pháp thay thế hoàn toàn thích hợp cho các loại tiền tệ truyền thống bởi tính chất bất ổn, dễ bị gian lận và thao túng. 

Tuy nhiên, những hạn chế của đồng Bitcoin và các đồng tiền ảo khác không có nghĩa là công nghệ blockchain không mang lại các giá trị thực tiễn. Ví dụ đối với ngành BĐS, blockchain ẩn chứa một số ứng dụng tiềm năng.

Thông tin minh bạch: Blockchain cho phép ghi nhận các thông tin liên quan đến một chuỗi giao dịch và phân bổ chúng trên một mạng lưới các máy tính. Blockchain tạo ra các bản ghi kỹ thuật số (hay còn gọi là sổ cái kỹ thuật số) có thể được chia sẻ rộng rãi trong mạng lưới, vì vậy nó có tính minh bạch cao, có thể được cập nhập nhanh chóng và rất khó để gian lận.

Không cần đến trung gian: Một ưu điểm quan trọng khác của công nghệ blockchain là nó có thể loại bỏ vai trò xác minh danh tính và phê duyệt giao dịch của các đơn vị trung gian nhờ vào sổ cái giao dịch được lưu lại trên một mạng lưới. Điều này cũng giúp các giao dịch sử dụng công nghệ blockchain khó bị làm giả hơn.

Khả năng xác minh quyền sở hữu: Lợi ích mà blockchain mang lại cho lĩnh vực BĐS là vô cùng to lớn bởi việc xác minh quyền sở hữu và xác nhận giao dịch BĐS có thể được thực hiện chỉ trong giây lát. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các thị trường đang phát triển tại khu vực châu Á, nơi việc đảm bảo quyền sở hữu BĐS hiện đang là một vấn đề nhức nhối với các nhà đầu tư. Khi sử dụng công nghệ Blockchain, việc thông tin đăng ký đất đai không đầy đủ và thiếu minh bạch sẽ chỉ còn là vấn đề của quá khứ. 

Quy trình tối giản: Đặc thù của các giao dịch BĐS là có giá trị lớn, vì vậy nên thường tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí và thủ tục giấy tờ để hoàn thiện. Điều này tạo ra những hạn chế về khả năng thanh khoản và tính minh bạch cho thị trường BĐS. Blockchain có tiềm năng để giải quyết vấn đề này: bằng cách số hóa giao dịch, công nghệ Blockchain giúp tối ưu về mặt thời gian và chi phí, đồng thời tăng tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch. 

Ứng dụng của xu hoặc thẻ Blockchain: có thể sử dụng xu hoặc thẻ Blockchain để chia sẻ không gian văn phòng. Công ty Primalbase có trụ sở chính tại châu Âu hiện đang thử nghiệm mô hình Co-working space tích hợp công nghệ, dự kiến sẽ ra mắt tại thị trường Singapore trong năm nay. Người dùng có thể sử dụng dịch vụ văn phòng trong mạng lưới Primalbase thông qua việc mua một trong số 1250 đồng xu do công ty phát hành. Giải pháp này giúp ổn định chi phí văn phòng. 

Tăng khả năng thanh khoản: Đây là ứng dụng được kỳ vọng nhất của công nghệ Blockchain nhưng cũng là ứng dụng hiện đang khó có khả năng thành công nhất. Blockchain cho phép chia nhỏ quyền sở hữu của BĐS, điều này sẽ tăng khả năng thanh khoản của tài sản một cách đáng kể. Việc mã hóa (tokenise) BĐS cũng có thể mang lại cho các nhà đầu tư cá nhân cơ hội đầu tư vào các BĐS thương mại lớn như các tòa nhà văn phòng hạng A hay khách sạn hạng sang, những sản phẩm BĐS mà trước đây họ khó có cơ hội sở hữu.

Tuy vậy, công nghệ này cũng tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư, do sự biến động khó lường của thị trường tiền ảo. Và hiện nay, các đơn vị quản lý tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn chưa thể nắm bắt rõ được cơ chế của các loại tiền ảo; thái độ của BIS cho thấy các giao dịch sử dụng công nghệ blockchain vẫn sẽ còn khó được chấp nhận trong thời gian tới.

Theo savills.com.vn