Hải Dương xem xét kỹ việc thành lập thêm các cụm công nghiệp mới

07:22 12/11/2021

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị các sở Tài nguyên và Môi trường, sở Công Thương tính toán, cân nhắc kỹ để tham mưu cho tỉnh về việc mở thêm cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Mạnh Tú – TTXVN

Hầu hết các cụm công nghiệp tại tỉnh Hải Dương chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Cần sớm có giải pháp đối với việc xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp này; xem xét kỹ việc nên hay không thành lập thêm các cụm công nghiệp mới.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hải Dương về "Việc chấp hành pháp luật về xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh" chiều 11/11.

Theo các Quyết định 3140/QĐ-UBND ngày 3/12/2015, Quyết định 3169/QĐ-UBND ngày 21/10/2020 của UBND tỉnh Hải Dương về quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh có tổng số 76 cụm công nghiệp.

Hiện, 53 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập. Có 33 cụm công nghiệp đã hoạt động, thu hút trên 300 dự án đầu tư, với tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 62%.

Ban Kinh tế-Ngân sách- Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương giám sát hệ thống xử lý nước thải tại Công ty Cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát ở Cụm công nghiệp An Đồng, huyện Nam Sách. Ảnh: Mạnh Tú – TTXVN

Thống kê của cơ quan quản lý nhà nước cho thấy, 28 cụm công nghiệp hiện không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ.

Tất cả các cụm này đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do vậy, các dự án thứ cấp phải tự xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho dự án, dẫn đến manh mún, không đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp, khó khăn cho quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp này.

Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường từ năm 2016 đến 2020 đối với 25 điểm quan trắc tại các kênh, mương nội đồng là nguồn tiếp nhận nước thải từ các cụm công nghiệp cho thấy chất lượng nước tại đây bị ô nhiễm.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết, hầu hết các cụm công nghiệp đang hoạt động đều chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Nhiều cơ sở công nghiệp đang hoạt động bên trong các cụm công nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc xây dựng nhưng vận hành còn mang tính đối phó. Công tác quản lý về môi trường đối với các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn.

Các ý kiến tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp đối với quản lý môi trường, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp. Lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương cho biết Sở sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án tổng thể về nội dung này.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm xả thải ra môi trường không đạt chuẩn quy định.

Bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Công Thương sớm ban hành quy chế quản lý hoạt động các cụm công nghiệp; đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý đối với các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư.

Ban Kinh tế-Ngân sách- Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương giám sát hệ thống xử lý nước thải tại Công ty Cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát ở Cụm công nghiệp An Đồng, huyện Nam Sách. Ảnh: Mạnh Tú – TTXVN

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chấp hành đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm có sức răn đe đối với các doanh nghiệp nếu để xảy ra vi phạm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đánh giá: Những bất cập tại các cụm công nghiệp hiện nay có một phần do năng lực quản lý nhà nước của chính quyền hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong các cụm công nghiệp.

Đối với những tồn tại về quản lý môi trường, trực tiếp là vấn đề xử lý nước thải ở 28 cụm công nghiệp không có chủ đầu tư, ông Nguyễn Khắc Toản đề nghị xem xét cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư 1 trạm xử lý cuối cùng đối với các hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp; đề nghị Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương về xây dựng cơ chế này.

Đối với quy hoạch các cụm công nghiệp mới, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương tính toán, cân nhắc kỹ để tham mưu cho tỉnh có nên quyết định mở thêm cụm công nghiệp hay không.

Theo ông Nguyễn Khắc Toản, hiện nay thực trạng chung về hạ tầng của của các cụm công nghiệp là “mạnh ai nấy làm”, gây lãng phí về nguồn lực đất đai, gây khó khăn trong quản lý việc xử lý nước thải từ các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp.

Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc tăng cường quản lý đối với các cụm công nghiệp; tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể vào quá trình giám sát việc chấp hành bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp; kiên quyết xử lý, thậm chí dừng sản xuất với những doanh nghiệp vi phạm.

Trước đó, đoàn công tác của HĐND tỉnh Hải Dương giám sát một số cụm công nghiệp như: Nguyên Giáp (huyện Tứ Kỳ), Hồng Phúc - Hưng Long (huyện Ninh Giang), An Đồng (huyện Nam Sách) và Quỳnh Phúc (huyện Kim Thành). Tất cả các cụm công nghiệp này đều không có chủ đầu tư.

Các doanh nghiệp vào hoạt động đều tự lắp đặt hệ thống xử lý nước thải theo quy mô và khả năng của từng đơn vị. Đơn cử, trạm xử lý nước thải tại Công ty cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát (cụm công nghiệp An Đồng) có trạm xử lý nước thải công suất 100m3/ngày đêm; Công ty trách nhiệm hữu hạn Mạnh Toàn Plastic (cụm công nghiệp Nguyên Giáp) xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 80m3/ngày đêm; Công ty cổ phần may Hải Anh (cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long) đầu tư hệ thống xử lý nước thải 120m3/ngày đêm…/.

Mạnh Minh/TTXVN